Nhận thấy vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu khoa học đối với hoạt động giáo dục trong nhà trường, nhiều năm qua, thầy, trò Trường THCS Dân tộc nội trú Lang Chánh đã tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh hoạt động này và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường liên tục có dự án nghiên cứu khoa học của HS tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp huyện, cấp tỉnh và đạt giải cao. Ví như năm học 2014-2015, Dư án “Dàn phơi thông minh” đạt giải nhì cấp tỉnh; năm học 2016-2017, Dự án “Kính dành cho người khiếm thị” đạt giải nhất cấp tỉnh; năm học 2017-2018, Dự án “Thiết bị hỗ trợ pin mặt trời chuyển động theo ánh nắng” đạt giải nhì cấp tỉnh... Thầy giáo Lê Gia Kỳ, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Lang Chánh, cho hay: “HS nhà trường rất hào hứng với hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học các cấp. Từ hoạt động này, các em biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cũng như nâng cao kỹ năng thuyết trình, phản biện. Đây cũng là một trong những tiền đề để mỗi thầy, cô giáo, mỗi em HS đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HS. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường”.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cùng nhiều ý tưởng sáng tạo, em Hoàng Văn Trường, HS lớp 12B, Trường THPT Quảng Xương 4 (Quảng Xương) đã 2 lần tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học và đều đạt thành tích cao. Trong đó Dự án “Hệ thống sạc điện thông minh nơi công cộng sử dụng năng lượng mặt trời” do em thực hiện, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Hà Văn Mai đã đạt giải nhất cấp tỉnh tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học năm học 2019-2020. Trường cho biết: Hiện nay số người sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng rất phổ biến. Khi họ tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng như xe buýt, xe lửa... rất cần có sạc điện. Cùng với đó, là HS THCS và THPT sử dụng xe máy điện và xe đạp điện ngày càng phổ biến. Các phương tiện này sử dụng nguồn điện ắc quy và phải sạc điện sau một thời gian ngắn sử dụng. Là HS THPT và cũng là người trực tiếp sử dụng các thiết bị, phương tiện trên, em thấy rất bất tiện khi sinh hoạt nơi công cộng và mỗi lần đi học về quên không sạc điện. Điều đó đã thôi thúc em tìm tòi và đưa ra ý tưởng thiết kế “Hệ thống sạc điện thông minh nơi công cộng sử dụng năng lượng mặt trời”.
Thực tế trên cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học trong HS đã và đang được phát triển ngày càng mạnh mẽ trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là từ khi ngành giáo dục phát động Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học vào năm 2012. Đến nay, cuộc thi đã thu hút 100% đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh tham gia và có trên 90% số đơn vị tổ chức thi cấp cơ sở, với hàng trăm dự án của các em HS tham gia mỗi năm. Ở cấp tỉnh, trong 5 năm qua, cuộc thi đã thu hút 816 đề tài, dự án của gần 1.500 HS dự thi. Một số đơn vị có nhiều đề tài tham dự, như: Phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn, Cẩm Thủy, Yên Định, Nông Cống, TP Thanh Hóa, Trường THPT chuyên Lam Sơn, THPT Bỉm Sơn... Tính riêng cuộc thi năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 50 đơn vị gồm 34 trường THPT và 16 phòng GD&ĐT tham gia, với 84 dự án thuộc 15 lĩnh vực.
Kết quả này cũng minh chứng, phong trào nghiên cứu khoa học trong HS và Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra là phát huy khả năng sáng tạo của HS; tìm kiếm những ý tưởng khoa học, mới lạ, độc đáo, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực; tạo ra sân chơi trí tuệ, khoa học, bổ ích cho HS trung học sáng tạo. Qua phong trào và cuộc thi đã khai thác hiệu quả tiềm năng của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học; đưa nội dung hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; giáo viên trao đổi, thảo luận về vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu cho HS. Và, thành công trong phong trào nghiên cứu khoa học của HS không chỉ là số lượng các dự án, mà là sự nhiệt tình, tính chủ động, niềm đam mê, tìm tòi, sáng tạo được khơi dậy trong mỗi HS.